Chuyển tới nội dung

Tìm hiểu các yếu tố văn hóa liên quan đến trầm cảm trên nhóm sinh viên du học ở nước ngoài

Đề tài được thực hiện bởi:

PGS.TS. Võ Văn Bản
BỆNH VIỆN VIỆT PHÁP HÀ NỘI

 1/ ĐẶT VẤN ĐỀ:

Trầm cảm là một bệnh lý thường gặp, theo WHO (5), ước tính khoảng 350 triệu người bị trầm cảm trên toàn thế giới, tăng hơn 18% từ năm 2005 đến năm 2015, chính vì vậy chủ đề chiến dịch năm 2017 của WHO là trầm cảm, với khẩu hiệu “Trầm cảm: chúng ta hãy nói về nó” (Dépression: parlons-en). Theo Kessler RC và Walter EE (1), nghiên cứu trên 1.769 bệnh nhân tuổi từ 15 – 24, nhận thấy tỷ lệ trầm cảm nặng (Major Depression – MD) là 5,8%, trầm cảm nhẹ (Minor Depression – mD) là 2,1% mắc trong 1 tháng, còn tỷ lệ mắc cả đời là 15.3% (MD) và 9.9% (mD). Rất nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến trầm cảm, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhân cách chưa hoàn thiện nên gặp khó khăn trong việc thích nghi và hòa nhập môi trường sống và học tập, yếu tố gia đình (di truyền và giáo dục), yếu tố tâm lý (nhân cách, sang chấn tâm lý), yếu tố tập nhiễm các thói quen sinh hoạt không lành mạnh (hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thậm chí các chất gây nghiện),…

Theo Maureen Mayhew (4), các yếu tố văn hoá chia làm hai nhóm, nhóm dễ nhận biết (ngôn ngữ, ăn mặc, âm nhạc, văn học, lễ hội,..) và nhóm khó nhận biết (như niềm tin, giá trị, kỹ năng giao tiếp, kiểm soát cảm xúc và hoạt động thể chất, sự cạnh tranh và sự tương tác, sắc tộc,..), các yếu tố văn hóa nhóm khó nhận biết ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt sức khỏe tâm thần nhiều hơn nhóm dễ nhận biết. Vitor Pordeus (6), ảnh hưởng của yếu tố văn hóa lên trầm cảm còn có sự khác biệt giữa nền văn hoá cá thể và nền văn hoá tập thể. Một nền văn hoá cá thể được đặc trưng bởi cá nhân là trung tâm. Trong nền văn hóa tập thể coi trọng đến tương tác gia đình và nhóm hơn là từng cá thể. Người dân từ các nền văn hoá tập thể có xu hướng tương tác tập thể nhiều hơn, và họ cảm thấy luôn được sự hỗ trợ và ít cô đơn hơn, đây là lý do tại sao tần suất trầm cảm có thể cao hơn ở các nền văn hoá cá thể.

Ảnh hưởng của văn hóa đến trầm cảm đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu, như trong nghiên cứu của Iwata N., Buka S. (2) về hiện tượng xuyên văn hóa và yếu tố dân tộc trong các sinh viên bị rối loạn trầm cảm ở Đông Á, Bắc và Nam Mỹ. các tác giả đã chỉ ra rằng: 1) Biểu hiện của các triệu chứng trầm cảm dường như tương tự giữa người Mỹ gốc Anglo và người Argentina; 2) Người Mỹ bản địa có khuynh hướng biểu hiện trầm cảm bằng các triệu chứng cơ thể hơn các triệu chứng cảm xúc; 3) Những ảnh hưởng tích cực có thể được tăng cường trong văn hoá Bắc Mỹ, trong khi bị ức chế trong văn hoá Nhật Bản.

Với đề tài:”Tìm hiểu các yếu tố văn hóa liên quan đến trầm cảm trên nhóm sinh viên du học ở nước ngoài”, chúng tôi phân tích ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa – xã hội trên nhóm sinh viên du học nước ngoài liên quan đến rối loạn trầm cảm, để từ đó đưa ra những khuyến cáo cho các bậc cha mẹ và các sinh viên chuẩn bị tốt về mặt tâm lý để phát hiện và điều trị kịp thời.

2/ ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu gồm 17 bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn trầm cảm, có 13 bị trầm cảm nặng, 03 trầm cảm vừa, 01 trầm cảm nhẹ, tất cả đều đã và đang du học ở nước ngoài, trong đó học ở Mỹ có 10 bạn, học ở Anh 05 bạn, ở CHLB Đức 01 bạn và ở CH Pháp 01 bạn. Trong 17 bệnh nhân có 8 bạn nam, 9 nữ, tuổi trung bình: 22,94 ± 2,21.

Tất cả đều được chẩn đoán rối loạn trầm cảm và được điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội bằng thuốc chống trầm cảm.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Mẫu hồ sơ bệnh án nghiên cứu theo mẫu hồ sơ của bệnh viện Việt Pháp Hà Nội,

Phân tích chân dung tâm lý cá nhân và tâm lý gia đình dựa vào bảng đánh giá của bản thân bệnh nhân và bố mẹ.

Các test tâm lý: BDI và Zung

Hồ sơ tâm lý được nghiên cứu theo phương pháp nghiên cứu từng trường hợp riêng biệt (case study),

3/ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:

3.1. Mức độ trầm cảm:

Bảng 1: Mức độ rối loạn trầm cảm ở nhóm nghiên cứu

GIỚI TÍNH

RLTC NẶNG

RLTC VỪA

RLTC NHẸ

Tổng cộng

Nam

6

2

0

8

Nữ

7

1

1

9

Tổng cộng

13

3

1

17

Tỷ lệ mắc trầm cảm gặp ở nữ và nam học sinh du học ở nước ngoài gần như nhau. Mức độ rối loạn trầm cảm nặng chiếm tỷ lệ cao 13/17 (76,47%),

3.2. Thời gian mắc bệnh và điều trị:

Bảng 2: Thời gian mắc bệnh và điều trị ở nhóm nghiên cứu

Thời gian khởi phát bệnh (TGKP)

Nam (8)

Nữ (9)

Tổng cộng (17)

Thời gian khởi phát ≤1 năm

4/8

5/9

9/17

Thời gian khởi phát 2 – 3 năm

3/8

3/9

6/17

Thời gian khởi phát > 4 năm

1/8

1/9

2/17

TGKP trước khi đi học

1/8

2/9

3/17

TGKP trước trong thời gian học

7/8

7/9

14/17

Chưa điều trị khi ở nước ngoài

6/8

7/9

13/17

Đã điều trị trước khi về nước

2/8

2/9

4/17

Gia đình phải đưa về nước điều trị

5/8

6/9

11/17

Buộc phải về nước vì lý do pháp lý

1/8

0/9

1/17

Thời gian bệnh khởi phát ≤ 1 năm là 9/17, 2 – 3 năm là 6/17 và > 4 năm là 2/17, có 14 trường hợp (82,35%) trầm cảm xuất hiện trong thời gian đang học ở nước ngoài, chỉ có 3 trường hợp (17,65%) mắc bệnh trước khi đi học và đa phần bệnh nhân không được điều trị tại nơi học 13/17 (76,47%), trừ những trường hợp đặc biệt do nhà trường chỉ định đi điều trị mới phải đi khám và điều trị 4/17 (23,53%), 01 bệnh nhân nam đã vi phạm nội quy của trường, nên buộc phải thôi học và về nước điều trị, còn 11 trường hợp khác (5 nam và 6 nữ) gia đình phải đưa về nước điều trị.

3.3. Ảnh hưởng các yếu tố văn hóa của bản thân đối với trầm cảm:

Bảng 3: Các yếu tố văn hóa của bản thân ảnh hưởng đến trầm cảm

Các yếu tố liên quan

Ảnh hưởng

Không ảnh hưởng

1

Áp lực học tập

10/17 (58,82%)

07/17

2

Sống lệ thuộc gia đình, ko tự lập

12/17 (70,59%)

05/17

3

Khả năng ngoại ngữ

02/17

15/17 (88,23%)

4

Khó khăn kinh tế trong cuộc sống

01/17

16/17 (94,11%)

5

Khó thích nghi trong cuộc sống

13/17 (76,47%)

04/17

6

Khó khăn giao tiếp với cộng đồng NN

16/17 (94,11%)

01/17

7

Khó khăn giao tiếp với cộng đồng VN

10/17 (58,82%)

07/17

8

Bị đối xử bất công so với người bản xứ

03/17

14/17 (82,35%)

9

Sinh hoạt không theo nhịp ngày đêm

16/17 (94,11%)

01/17

10

Ăn uống thất thường, ít tập luyện,..

16/17 (94,11%)

01/17

11

Nỗi nhớ nhà (home sick/nostalgie)

17/17 (100%)

0

Các yếu tố văn hóa bản thân ảnh hưởng rất lớn đến trầm cảm, như nỗi nhớ nhà (100%), khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng người nước ngoài (94,11%), thức ngủ không theo nhịp ngày đêm và ăn uống thất thường, ít vận động (94,11%), khó thích nghi cuộc sống mới (76,47%), áp lực học tập (58,82%),… Bên cạnh đó những yếu tố ít ảnh hưởng đến trầm cảm, như phân biệt đối xử với người bản địa (17,65%), khó khăn về ngoại ngữ (11,76%), khó khăn về kinh tế (5,88%),..

 3.4. Ảnh hưởng các yếu tố văn hóa của bố mẹ đối với trầm cảm:

Bảng 4: Các yếu tố văn hóa của bố mẹ ảnh hưởng đến trầm cảm của con

Các yếu tố liên quan

Ảnh hưởng

Không ảnh hưởng

1

Bố mẹ có gây áp lực học tập cho con?

10/17  (58,82%)

07/17

2

Bố mẹ có chiều chuộng con?

17/17  (100%)

0

3

Có yếu tố stress trong gia đình?

12/17  (70,59%)

05/17

4

Bố mẹ đánh giá con bị TC có liên quan đến yếu tố giáo dục của gia đình ko?

13/17  (76,47%)

04/17

5

Gia đình có hay chia sẻ với con ko?

10/17  (58,82%)

07/17

6

Bố mẹ có tôn trọng quyền riêng tư con?

09/17

08/17

7

TC ảnh hưởng đến học tập của con?

16/17

01/17

Kết quả nghiên cứu cho thấy bố mẹ chiều chuộng con cái (100%), yếu tố giáo dục của bố mẹ ảnh hưởng đến trầm cảm (76,47%), yếu tố stress trong gia đình (70,59%). Bố mẹ đánh giá trầm cảm ảnh hưởng đến việc học tập của con (94,11%).

4/ BÀN LUẬN:

4.1. Mức độ rối loạn trầm cảm ở nhóm nghiên cứu:

Trong nhóm sinh viên học ở nước ngoài bi trầm cảm về nước điều trị có 8 nam và 9 nữ, điều này phản ánh nguy cơ mắc trầm cảm của du học sinh gần như nhau giữa hai giới (tuy nhiên vì nhóm nghiên cứu quá bé, cần nghiên cứu thêm). Ngoài ra nếu bị trầm cảm thường gặp ở thể nặng với tỷ lệ cao (76,47%), có thể do không được phát hiện và điều trị trầm cảm kịp thời, vì các cháu sống tự lập xa gia đình, ngại đi khám bệnh và vì sự hiểu biết về rối loạn trầm cảm, cũng như các phương pháp trị liệu chưa cao. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Karasz A (3), nhận thấy nhóm người Nam Á bị trầm cảm ít tìm đến các phương pháp điều trị khoa học hơn nhóm bệnh nhân người châu Âu.

4.2. Thời gian mắc bệnh và ý thức điều trị của nhóm nghiên cứu:

Trầm cảm xuất hiện trong thời gian đang học ở nước ngoài có 14 trường hợp (82,35%), chỉ có 3 trường hợp (17,65%) mắc bệnh trước khi đi học. Tỷ lệ trầm cảm không được điều trị kịp thời (76,47%), kết quả này phù hợp với thông báo của WHO (5), ngay cả những nước phát triển thì tỷ lệ trầm cảm được điều trị chỉ đạt mức 50%. Chính trầm cảm ảnh hưởng đến học tập của các cháu và kinh tế gia đình, cụ thể 4/17 (23,53%) cháu buộc phải nghỉ học đi điều trị tại bệnh viện nơi đang theo học và 11/17 cháu (64,70%) gia đình phải đưa về Việt Nam điều trị.

4.3. Các yếu tố văn hóa của bản thân ảnh hưởng đến trầm cảm ở nhóm nghiên cứu:

Những yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến trầm cảm, như nỗi nhớ nhà (100%), khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng người nước ngoài (94,11%), thức ngủ không theo nhịp ngày đêm và ăn uống thất thường (94,11%),  ít vận động (94,11%), khó thích nghi cuộc sống mới (76,47%), áp lực học tập (58,82%),… Bên cạnh đó những yếu tố ít ảnh hưởng đến trầm cảm, như phân biệt đối xử với người bản địa (17,65%), khó khăn về ngoại ngữ (11,76%), khó khăn về kinh tế (5,88%),..

Điều này cũng phù hợp với nhận xét của Maureen Mayhew (4), những yếu tố văn hóa khó nhận biết ảnh hưởng rất lớn lên sức khỏe tâm thần, như kỹ năng giao tiếp, sự thích nghi môi trường sống, kiểm soát cảm xúc và hoạt động thể chất,.. Còn nhóm yếu tố văn hóa dễ nhận biết như ăn mặc, ngoại ngữ, đời sống âm nhạc,.. ít ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần (xem minh họa trong hình dưới).

4.4. Các yếu tố văn hóa của bố mẹ ảnh hưởng đến trầm cảm của con:

Kết quả nghiên cứu cho thấy bố mẹ chiều chuộng con cái (100%), yếu tố giáo dục của bố mẹ ảnh hưởng đến trầm cảm (76,47%), yếu tố stress trong gia đình (70,59%), chính những yếu tố này đã ảnh hưởng đến khả năng tự lập và thích nghi của trẻ, từ đó trẻ có nguy cơ dễ bị trầm cảm hơn. Bố mẹ đánh giá trầm cảm ảnh hưởng đến việc học tập của con (94,11%),.. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Vitor Pordeus (7) về ảnh hưởng của nền văn hóa cá thể lên trầm cảm nhiều hơn văn hóa tập thể. Trong nghiên cứu của chúng tôi, các sinh viên khi ở trong nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa tập thể được sự chia sẻ của gia đình, bạn bè, khi sang học ở nước ngoài sẽ phải tự mình chịu đựng mọi căng thẳng ở môi trường mới, gặp khó khăn khi giao tiếp chia sẽ với người nước ngoài cũng như người Việt Nam và phải thích ứng với nền văn hóa mới mang tính cá thể nhiều hơn tập thể, nên dễ bị mắc trầm cảm.

5/ KẾT LUẬN:

Tỷ lệ trầm cảm ở nhóm nam và nữ sinh viên du học nước ngoài gần như nhau, trong đó tỷ lệ mắc trầm cảm trước khi đi học (17,65%) thấp hơn khi sang học ở nước ngoài rất cao (82,35%). Mức độ trầm cảm chủ yếu là nặng, không được điều trị ở nước ngoài (76,47%). Việc học tập của các cháu bị ảnh hưởng bởi trầm cảm là rất lớn (94,11%) và nhiều trường hợp phải nghỉ học về nước để điều trị (64,70%).

Những yếu tố văn hóa của bản thân ảnh hưởng rất lớn đến trầm cảm, như nỗi nhớ nhà (100%), khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng người nước ngoài (94,11%), thức ngủ không theo nhịp ngày đêm và ăn uống thất thường (94,11%),  ít vận động (94,11%), khó thích nghi cuộc sống mới (76,47%),.. Nên các cháu cần chuẩn bị tâm lý tốt trước khi đi học, rèn khả năng tự lập, thích ứng với môi trường sống, sinh hoạt điều độ và kiểm soát tốt cảm xúc cũng như tăng cường vận động thể chất để giảm thiểu nguy cơ trầm cảm.

Ngoài ra yếu tố văn hóa của bố mẹ, như quá chiều chuộng (100%), yếu tố giáo dục chưa hợp lý (76,47%), yếu tố stress trong gia đình (70,59%),.. đã ảnh hưởng đến khả năng tự lập và thích nghi của trẻ, từ đó trẻ có nguy cơ dễ bị trầm cảm hơn. Vì vậy bố mẹ phải giáo dục con cái theo hướng phát huy tính tự lập, tránh chiều chuộng, không gây áp lực học tập cho con cái.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kessler RC, Walters EE. Epidemiology of DSM-III-R major depression and minor depression among adolescents and young adults in the National Comorbidity Survey. Depression and Anxiety, the official journal of ADAA, 1998, Volume 7, Issue 1, Pages 1–52,
  2. Iwata N., Buka S. Race/ethnicity and depressive symptoms: a cross-cultural/ethnic comparison among university students in East Asia, North and South America. Handbook of Interventions that Work with Children and Adolescents, 2002,
  3. Karasz A. Cultural differences in conceptual models of depression. Soc. Sci. Med. 2005 Apr; 60(7):1625-35,
  4. Maureen Mayhew. How Culture Influences Health. Canadian Pediatric Society, 2016.
  5. Pierre Cochez. L’OMS s’inquiète d’une progression de la dépression dans le monde. Sciences & éthique, 2017.
  6. Vitor Pordeus. La maladie mentale serait-elle liée à la culture? Ici – Bas-Saint-Laurent, 2017.

TÓM TẮT

Tìm hiểu các yếu tố văn hóa liên quan đến trầm cảm trên nhóm sinh viên du học ở nước ngoài

Tỷ lệ mắc trầm cảm ở nhóm nghiên cứu trước khi đi học ở nước ngoài (17,65%) thấp hơn khi sang du học (82,35%). Mức độ trầm cảm ở nhóm này chủ yếu là nặng và không được điều trị ở nước ngoài (76,47%). Những yếu tố văn hóa của bản thân như nỗi nhớ nhà (100%), khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng người nước ngoài (94,11%), thức ngủ và ăn uống thất thường (94,11%), ít vận động (94,11%), khó thích nghi cuộc sống mới (76,47%),.. ảnh hưởng rất lớn đến trầm cảm.  Ngoài ra, yếu tố văn hóa của bố mẹ, như quá chiều chuộng (100%), yếu tố giáo dục chưa hợp lý (76,47%), yếu tố stress trong gia đình (70,59%),.. đã ảnh hưởng đến khả năng tự lập và thích nghi của trẻ, từ đó trẻ có nguy cơ làm dễ bị trầm cảm hơn. Vì vậy cả bố mẹ và con cái cần chuẩn bị tâm lý tốt trước khi quyết định cho con đi học nước ngoài, bố mẹ phải giáo dục con cái theo hướng phát huy tính tự lập, tránh chiều chuộng và các con phải rèn khả năng tự lập, thích ứng với môi trường sống, tham gia các hoạt động tinh thần và thể chất điều độ để giảm thiểu nguy cơ bị trầm cảm.

Les facteurs culturels liés à la dépression sur le groupe d’étudiants étaient à l’étranger

La prévalence de la dépression chez les étudiants avant de partir à l’étranger (17,65%) était inférieure à celle des études à l’étranger (82,35%). Les niveaux de dépression dans ce groupe étaient principalement sévères et non traités (76,47%). Les facteurs culturels individuels tels que la nostalgie (100%), les difficultés de communication avec la communauté expatriée (94,11%), les habitudes de sommeil et d’alimentation irréguliers (94,11%), les comportements sédentaires (94,11%), difficulté à s’adapter à une nouvelle vie (76,47%),.. affectent grandement la dépression. En outre, les facteurs culturels des parents, comme la gâterie (100%), le facteur d’éducation n’est pas raisonnable (76,47%), le facteur de stress dans sa famille (70,59%),.. ont influencé la capacité des enfants à s’auto-adapter et à s’adapter, ce qui peut être le risque de rendre les enfants plus enclins à la dépression. Par conséquent, les parents et les enfants doivent préparer une bonne psychologie avant de décider d’envoyer leurs enfants à l’étranger, les parents doivent éduquer leurs enfants dans la direction de la promotion de l’autonomie, en évitant les spoilers et les enfants doivent développer l’autodétermination, s’adapter au milieu de vie, participer à la modération des activités mentales et physiques pour minimiser le risque de dépression.

Đề tài được thực hiện bởi

PGS.TS. Võ Văn Bản
BỆNH VIỆN VIỆT PHÁP HÀ NỘI