Chuyển tới nội dung

Thông cáo báo chí

Kết quả tọa đàm Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10-10-2024

CHỦ ĐỀ: ƯU TIÊN SỨC KHỎE TÂM THẦN NƠI LÀM VIỆC

Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (World Mental Health Day) 10/10 được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới (WFMH) khởi xướng vào năm 1992 với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng và loại bỏ sự kỳ thị liên quan đến các vấn đề tâm thần. Mỗi năm, WFMH lựa chọn một chủ đề để tập trung vào các khía cạnh cấp thiết như cải thiện quyền tiếp cận dịch vụ tâm lý hay xây dựng cộng đồng hỗ trợ cho những người gặp khó khăn. Đây là cơ hội để các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới cùng hành động, tạo nên những thay đổi tích cực trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần.

Tại Việt Nam, sức khỏe tâm thần vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo thống kê MNH work force- Atlas 2020, chỉ có khoảng 951 bác sĩ tâm thần và 102 nhà tâm lý học trên tổng dân số gần 100 triệu người, tức là chỉ 1,1 chuyên gia tâm lý trên mỗi 100.000 dân – một con số rất thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu. Điều này dẫn đến một khoảng cách điều trị lớn, với hơn 90% người có vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc. Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm lý phổ biến như trầm cảm, lo âu đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người gặp phải vấn đề tâm lý tại một thời điểm trong đời.

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào điều trị dược lý mà chưa chú trọng đến các liệu pháp tâm lý và phục hồi chức năng. Việc thiếu nguồn lực và cơ chế tài chính hỗ trợ khiến các nhân viên y tế gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện.

 Tối qua (9/10/2024), Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam (VNPA) đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới với chủ đề: “Ưu tiên Sức khỏe Tâm thần tại Nơi làm việc”. Sự kiện thu hút sự tham gia của 170 đại biểu bao gồm các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giảng viên, chuyên viên tâm lý,…những người quan tâm đến sức khỏe tâm thần.

 Các diễn giả tham gia bao gồm PGS.TS.BS. Võ Văn Bản, Chủ tịch VNPA; ThS.BS Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; TS. Lại Đức Trường, cán bộ phụ trách SKTT của WHO Việt Nam; TS.BS. Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Chủ tịch Thường trực VNPA, BSCKII. Lâm Tứ Trung, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Đại diện Văn phòng Hội khu vực miền Trung & Tây Nguyên, VNPA. Nội dung buổi tọa đàm tập trung vào việc phân tích những thách thức và rào cản trong việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện với sức khỏe tâm thần, chia sẻ các chiến lược giảm thiểu căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần cho người lao động.

Chúng tôi mong đợi sau buổi tọa đàm, sẽ có thêm các đề xuất và kế hoạch hành động cụ thể để cải thiện sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các, tổ chức và các chuyên gia nhằm xây dựng một mạng lưới hỗ trợ sức khỏe tâm thần toàn diện cho người lao động. Những khuyến nghị và đề xuất từ buổi tọa đàm sẽ là cơ sở để VNPA xây dựng các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả lao động của cộng đồng.

Liên hệ truyền thông:

  • Người liên hệ: ThS.Hà Thị Thanh Huyền
  • Email: office.vnpa@gmail.com
  • Số điện thoại: 0986 130 348

Xin trân trọng cảm ơn!

HỘI TÂM LÝ TRỊ LIỆU VIỆT NAM

Địa chỉ: 29 Hàng Điếu, Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hotline: 0857 116 118

Website: https://hoitamlytrilieu.vn/

Facebook: Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam – Vietnam Psychotherapy Association

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *