Chuyển tới nội dung

Nhận dạng đúng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Có rất nhiều bậc phụ huynh thắc mắc hoặc nhầm lẫn giữa một trẻ hiếu động và trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý. Thực ra việc nghịch ngợm, nô đùa có thể là biểu hiện của một trẻ hiếu động. Tuy nhiên, những biểu hiện đó có thể được xem là biểu hiện của Rối loạn tăng động giảm chú ý (hay ADHD) nếu như biểu hiện đó diễn ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng.

ADHD là một rối loạn sinh học khởi phát sớm, được mô tả bằng bộ ba triệu chứng: tăng động, không tập trung chú ý và xung động. Ba triệu chứng này tồi tại dai dẳng và ở mức độ không phù hợp về mặt phát triển (theo tổ chức hỗ trợ ADHD của New Zealand).

Việc điều chỉnh hoạt động, chú ý và các tương tác xã hội vào các chuẩn tình huống bình thường với trẻ có ADHD thường gặp rất nhiều khó khăn. Chúng thường gây rắc rối cho người lớn và không được bạn bè cùng lứa yêu thích. Kết quả học tập ở trường thường kém và nhiều trẻ mất khả năng học tập đặc trưng và/hoặc đi kèm với rối loạn hành vi.

Vậy thế nào là một trẻ có ADHD?
Một trẻ có ADHD thường gặp những khó khăn trên các lĩnh vực sau:

1. Chú ý

Trẻ có rối loạn này thường gặp vấn đề với cả hai khả năng: chú ý và tập trung hoặc chỉ gặp khó khăn với một trong hai chức năng này.
Với những trẻ có vấn đề về sự chú ý, chúng rất dễ bị phân tán và sẵn sàng phản ứng ngay, dù cho đó là một tiếng động nhỏ xung quanh. Chúng hay bồn chồn, táy máy, không ngồi yên được, và thường đi quấy phá trẻ khác.

Còn trẻ giảm tập trung thì chúng có thể nhận thức được những việc chung quanh nhưng lại không thể tập trung vào công việc hoăc nhiệm vụ được giao. Chẳng hạn như chúng không thể tập trung nghe bài giảng của thầy/cô, thường hay trì hoãn các công việc. Đối với những bài tập thầy/ cô giao cho về nhà, trẻ thường không làm hoặc làm không hết. Trẻ thường thiếu khả năng tập trung, chú ý hơn và khó có thể dõi theo những nhiệm vụ dài có nhiều lời hướng dẫn. Việc khó duy trì sự chú ý vào nhiệm vụ được giao là nguyên nhân dẫn đến kết quả học tập của những trẻ này thường là kém.

2. Tăng động

Không phải trẻ ADHD nào cũng tăng động. Tuy vậy, hầu như trẻ mắc RLTĐGCY đều tăng động. Những biểu hiện của những trẻ này thường xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ. Chúng thường không ngồi yên, có những vấn đề về ăn uống, cơn đau bụng, giấc ngủ như khó vào giấc hay khó tỉnh dậy.

Lớn hơn, trẻ không thể ngồi yên trong một hoạt động kéo dài. Trẻ hay sốt ruột, đứng lên, ngồi xuống, phá phách và đi lại quanh phòng học, nói chuyện, làm trò hề.
Đôi khi chúng ta cũng nhìn thấy trẻ ADHD ba hoa, nói chuyện phiếm không ngừng.

3. Xung động

Đây cũng được coi là đặc điểm thường được mô tả ở trẻ ADHD. Khi còn nhỏ, chúng đều muốn có ngay lập tức cái mà nó đang muốn. Nếu không được đáp ứng, chúng dễ dàng buồn bực và có thể đập phá đồ đạc, đồ chơi.
Thật không dễ dàng khi yêu cầu trẻ trẻ ADHD xếp hàng, chờ đợi hay tuân theo những chỉ dẫn. Chúng thường không cẩn thận trong công việc và không dừng lại để kiểm tra công việc. Chúng thường ngắt ngang lời người khác, trả lời câu hỏi khi chưa nghe xong câu hỏi. Đôi khi chúng muốn tham gia vào các hoạt động nguy hiểm đến tính mạng mà không quan tâm đến hậu quả.

Hành vi chống đối xã hội đôi khi là vấn đề ở trẻ AHĐ. Trẻ khó kiềm chế xung động như trẻ khác. Chúng có thể ăn cắp, nói dối. Việc này có thể xuất phát từ mong muốn đơn giản là phải có được đồ vật ấy, sợ bị la mắng hoặc gây sự chú ý với người khác… Đến tuổi vị thành niên và trưởng thành có thể xuất hiện những vấn đề nổi cộm như sử dụng nghiện chất kích thích như rượu và ma túy, trộm cắp, đua xe hay quan hệ tình dục không an toàn…

Tham khảo: Luận án tiến sĩ Tâm lý học “Đặc điểm tâm lí tâm sàng của học sinh tiểu học có rối loạn tăng động giảm chú ý” của TS. Nguyễn Thị Thanh Vân (2010) Viện Tâm lí học