12 đến 36 tháng tuổi được xem là giai đoạn “vàng” thúc đẩy sự phát triển nhận thức, vận động, cảm xúc và xã hội ở trẻ. Vậy một đứa trẻ sẽ “đi qua” giai đoạn này bằng cách nào? Câu trả lời là “chơi”.
Đứa trẻ chập chững biết đi sẽ học được nhiều khía cạnh của cuộc sống thông qua việc chơi. Nhìn bề ngoài, việc chơi ở trẻ trông giống như những hành động ngẫu nhiên hoặc là trò đùa tượng tưởng. Tuy nhiên, đối với trẻ, chơi thật sự trở thành “việc kinh doanh nghiêm túc”. Chơi giúp trẻ phát triển bản thân và thành thạo ba “nhiệm vụ”: trải nghiệm, nhận biết được sự khác nhau giữa tưởng tượng và thực tế, học cách trở nên độc lập hơn.
Trải nghiệm
Trong những năm đầu đời của giai đoạn phát triển, trẻ tham gia các trò chơi giả vờ. Các trò chơi trở nên phức tạp hơn theo độ tuổi phát triển và trẻ bắt chước các hoạt động từ mọi người xung quanh. Ví dụ, trẻ cho búp bê uống một bình sữa vô hình, hoạt động này phát triển qua việc bắt chước hoạt động chăm sóc của người lớn, thay vì bình sữa, trẻ dần biết cách sử dụng các dụng cụ hoặc đồ ăn khác. Các trò chơi tưởng tưởng cho phép trẻ đóng vai, trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau, từ đó góp phần hình thành hứng thú, sở thích ở trẻ. Ngoài ra, việc bắt chước các hoạt động của người lớn góp phần xây dựng hệ thống ứng xử ở trẻ. Trẻ ra quyết định cách ứng xử với những người xung quanh thông qua chính việc quan sát và bắt chước.
Nhận biết sự khác nhau giữa tưởng tượng và thực tế.
Học cách gắn kết với người khác về mặt xã hội là một khía cạnh quan trọng trong tiến trình phát triển của trẻ. Điều quan trọng không kém là nắm bắt khái niệm tưởng tượng và thực tế. Trẻ bắt đầu tìm hiểu sự khác biệt giữa tưởng tượng và thực tế, nhận biết việc nào có thể và không thể xảy ra thông qua các trò chơi. Ví dụ, trẻ biết được rằng, chú gấu bông có thể đóng vai một cô giáo trong trò chơi, nhưng gấu bông không thể là cô giáo ở trường học thực tế.
Học cách trở nên độc lập hơn.
Một trong những dấu mốc quan trọng trong giai đoạn 12 đến 36 tháng ở trẻ là việc trẻ nhận biết được mình là tách biệt với cha mẹ. Điều này được thực hiện thông qua sự chủ động, mong muốn kiểm soát, kiểm tra các giới hạn, sử dụng thường xuyên từ “Không”, các cơn giận dữ của trẻ. Tuy nhiên, các trải nghiệm trên cho phép một đứa trẻ thể hiện nhu cầu được độc lập và kiểm soát bản thân cũng như thế giới xung quanh. Trong giai đoạn đầu này, trẻ khó có thể tự kiểm soát việc đi vệ sinh, ăn uống hay lựa chọn mặc đồ như thế nào,…. Nắm vững được những “nhiệm vụ” trong giai đoạn này là điều này rất quan trọng vì nó mang lại cho trẻ cảm giác an toàn, tự tin và tự chủ – một cảm giác chiến thắng cho thấy trẻ có thể tự xử lý các vấn đề của mình. Ngược lại, nếu trẻ không thành thạo trong giai đoạn này, trẻ có thể cảm thấy không đủ khả năng và nghi ngờ bản thân.
Tóm lại, việc chơi có tác động rất lớn đến sự phát triển của trẻ trong giai đoạn đầu đời. Những bài học phong phú mà trẻ mới biết đi học được khi chơi đùa rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển và cảm nhận hạnh phúc của trẻ.
Người dịch: Nguyễn Thủy
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/mental-illness-in-america/202002/its-more-childs-play