Làm cha mẹ, chúng ta không khỏi đau đầu khi chứng kiến cảnh những đứa con thân yêu cãi vã, đánh nhau hoặc nói tục, chửi bậy. Bất cứ chỗ nào trong ngôi nhà, trên giường hay chiếc ghế salon cũng trở thành “đấu trường” của chúng. Điều này nếu không được quan tâm và ứng phó kịp thời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình cũng như sự phát triển tâm lý của trẻ.
Chị Mỹ Anh (Hà Đông, Hà Nội) than phiền với đồng nghiệp rằng hai bé nhà chị, một bé gái 3 tuổi và bé trai 6 tuổi, luôn chí chóe tranh giành với nhau. Cả ngày không một tiếng la khóc, nhưng đến tối khi hai đứa đi học về là ầm ĩ cả nhà. Một vài gợi ý các bậc phụ huynh một vài cách xử lý khi trẻ xung đột với nhau:
- Làm dịu cơn nóng giận: Khi thấy trẻ cãi vã, thậm chí đánh nhau, chắc chắn là chúng ra sẽ ngăn cản chúng để không làm đau lẫn nhau nhưng điều quan trọng là người lớn cần phải bình tĩnh. Thay vì việc gào lên và mắng trẻ là chúng quá quắt, ra lệnh cho trẻ không được cãi vã, cha mẹ nên giúp trẻ bình tĩnh trở lại, chẳng hạn: “Con đang rất nóng giận. Mẹ hiểu điều đó nhưng mẹ không tán thành khi các con đánh nhau. Mẹ tin là con sẽ dừng lại”. Điều này sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại và làm trẻ giải tỏa được một số cảm giác tiêu cực như nỗi tức giận, hụt hẫng hay nỗi buồn. Trẻ sẽ trưởng thành hơn khi chúng học được cách làm chủ cảm xúc của mình.
- Cùng con tìm ra nguyên nhân gây tranh cãi: rất khó để nhận ra đứa trẻ nào phạm lỗi trước tiên, Nếu không khéo léo, chúng ta sẽ làm trẻ có cảm giác là bố mẹ đối xử thiên vị. Khi trẻ đã bình tĩnh trở lại, hãy cho trẻ cơ hội trình bày, kể lại câu chuyện để cùng tìm ra nguyên nhân xung đột. Cha mẹ hãy lắng nghe và thử cho trẻ lần lượt nói về cảm xúc của chúng, ví dụ như: tức giận ,hụt hẫng,..; điều chúng đang mong muốn (chơi điện tử), điều mà đứa trẻ này trách đứa trẻ kia, chẳng hạn như tranh giành đồ chơi. Sau đó cha mẹ có thể gợi ý về cách giải quyết mâu thuẫn cho trẻ trong trường hợp này, ví dụ “Các con có thể chơi lần lượt, mỗi bạn 15p hoặc chơi cùng nhau để chơi được lâu hơn”. Qua đó, trẻ sẽ học hỏi được cách thể hiện và biết lắng nghe.
- Giúp con đặt mình vào tình huống tương tự: Trẻ có thể học được kỹ năng thấu cảm bằng cách đặt mình vào cảm xúc của người khác, “Nếu bạn nói những điều như vậy với con, bạn đánh con, con cảm thấy thế nào? Chúng ta cũng có thể đặt trẻ vào một tình huống như: “Giả sử như con làm hoặc nói ra một điều gì đó và người ta nói con là “thằng ngu”. Con cảm thấy thế nào? Vậy tại sao con lại nói tục với em?” Giúp trẻ hiểu được cảm xúc của chính mình và người khác là điều quan trọng để nuôi dưỡng một tâm hồn biết thương yêu, đồng cảm.
- Tránh so sánh hay bình phẩm về trẻ: Khi con trẻ tranh cãi, chúng thường hạ thấp nhau bằng cách nêu ra ưu điểm của bản thân và nhược điểm của đối phương. Nếu trẻ nghe thấy ông nội nói rằng chị của trẻ học giỏi và ngoan hơn trẻ thì chúng ta hãy nói lại với trẻ về việc đó, rằng mỗi một người đều có những sở trường và khả năng khác nhau, không thể đem ra so sánh ai hơn ai được. Cha mẹ nên làm cho những đứa con hiểu là họ yêu chúng vô điều kiện, không phải bởi vì điều chúng làm được mà là vì những điều thuộc về chúng.