Chuyển tới nội dung

Các phương pháp can thiệp đối với rối loạn tăng động giảm chú ý

Việc can thiệp cho trẻ RLTĐGCY cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều phương pháp như liệu pháp tâm lý kết hợp với giáo dục phù hợp sẽ mang lại nhiều hiệu quả và có thể hòa nhập lại cuộc sống nhanh hơn.

Dưới đây là một cách can thiệp tiêu biểu thường được sử dụng:

1. Can thiệp cách ứng xử

Mục đích của can thiệp cách ứng xử là sửa đổi cách ứng xử của trẻ chuyển từ kinh nghiệm tiêu cực sang kinh nghiệm tích cực, từ đó củng cố các thói quen tốt.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn sống trong mối liên hệ với môi trường xung quanh, với người khác. Do vậy, bất cứ ai kể cả trẻ RLTĐGCY cần được nhắc nhở phải lưu ý đến những hậu quả của những hành động của trẻ gây ra đối với bản thân, gia đình, bạn bè, thầy cô và nhà trường. Trẻ cần được giúp đỡ để sửa đổi cách ứng xử sao cho phù hợp thay vì mang lại cho trẻ những phản ứng tiêu cực khi trẻ bộc lộ những tính cách đi ngược lại với xã hội.

Sử dụng hình thức khen thưởng nếu trẻ có sửa đổi. Đây là phương pháp tích cực để trẻ nhận thấy rằng mình thật sự nhận được một cái gì đó cho sự cải thiện cách ứng xử của bản thân. Còn nếu trẻ hành động sai trái thì cần phải rút lại những gì trẻ thích thú để chấn chỉnh cách ứng xử không phù hợp.

Thành công của can thiệp sửa đổi cách ứng xử phụ thuộc vào cả người hỗ trợ và trẻ. Nhiều trẻ có đủ sự chú ý và trí nhớ tạm thời để lưu giữ những gì đã được học, nhưng trong nhiều trường hợp, do tính hấp tấp đã thành bản chất nên trẻ tiếp tục phạm những sai xót nhỏ.

Khi sử dụng phương pháp này, đòi hỏi người hỗ trợ cần phải kiên nhẫn vì thường mất rất nhiều thời gian trước khi đạt được những kết quả đáng kể. Bên cạnh đó cũng cần phải rất khách quan, đề phòng bản thân trở nên dễ bị xúc động trước những ứng xử của trẻ, vì như vậy có thể làm hỏng tác dụng của cách can thiệp này.

2. Can thiệp bằng giảng dạy

Sự quan tâm sát sao được coi là nỗ lực chủ yếu đối với bất kỳ trẻ nào có trở ngại lớn trong học tập. Người hỗ trợ trong giảng dạy phải đi sát với trẻ nhưng tránh không gây xúc động và giữ một khoảng cách để có thể theo dõi được tiến trình đã đặt ra.

Mục đích của can thiệp bằng giảng dạy là làm sao cho trẻ có thể tự mình khắc phục được các nhược điểm. Ví dụ: nếu trẻ nhận biết khá tốt từ và chữ cái nhưng lại yếu khi đọc chúng thì giáo viên sẽ sử dụng kỹ năng về thị lực mạnh hơn để cải thiện kỹ năng về ngữ âm còn yếu.

Nơi tốt nhất để can thiệp bằng giảng dạy là ở trường. Lý tưởng nhất là trẻ nên được tách ra khỏi lớp học bình thường trong một khoảng thời gian nào đó tùy theo sự cần thiết để nhận được sự trợ giúp cá nhân mà trẻ đang gặp trở ngại. Việc dạy một nhóm hơn 5 trẻ sẽ không mang lại lợi ích vì mỗi trẻ không nhận được sự quan tâm riêng đúng mức.
Nếu việc hỗ trợ bằng cách này không có ở trường thì cách tốt nhất kế đó là hỗ trợ riêng. Có thể là buổi sáng trước khi trẻ đến trường hoặc buổi chiều ngay khi trẻ tan trường.

3. Can thiệp lời nói và ngôn ngữ

Đa phần trẻ RLTĐGCY có sự thiếu hụt trong lời nói hoặc rối loạn về từ ngữ. Những trẻ này thường đối mặt với trở ngại về phát âm, nói lắp hoặc cấu trúc từ ngữ.
Người can thiệp lời nói và ngôn ngữ cũng đứng trước nhiều khó khăn như những người làm can thiệp khác do trẻ thường bị trục trặc về trí nhớ tạm thời, nên những gì đã dạy ở tuần này không được lưu giữ qua tuần sau dẫn đến việc phải ôn lại rất nhiều lần những gì đã học trước khi dạy trẻ những điều mới.

4. Can thiệp bằng cách làm việc

Trở ngại trong phối hợp động tác ở trẻ RLTĐGCY ảnh hưởng đến hàng loạt các phối hợp khác. Trẻ thường gặp khó khăn trong phối hợp động tác thông thường, phối hợp động tác chính xác, phối hợp mắt-tay và mắt-chân. Khiếm khuyết thường thấy nhất là phối hợp động tác chính xác.
Trẻ gặp trở ngại trong phối hợp nên được trị liệu bằng lao động và vật lý liệu pháp. Các phương pháp này cung cấp hàng loạt các bài tập nhằm cải thiện các chức năng cá biệt kém phát triển cho trẻ không có khả năng phối hợp.

5. Kiểm soát chế độ ăn uống

Có khá nhiều bài viết về tác dụng của chế độ ăn uống với trẻ RLTĐGCY. Trong đó có quyển sách của bác sỹ Ben Feingold đề cập đến chế độ ăn uống cho trẻ RLTĐGCY.

Nhiều nghiên cứu khác nhau cũng được ấn hành, trong đó các chẩn đoán lâm sàng được tiến hành về cách xử lý trong ăn uống nhằm cải thiện tình hình của RLTĐGCY. Kết quả của các nghiên cứu này đã tìm thấy những lợi ích đáng kể của chế độ ăn uống trong việc kiềm chế RLTĐGCY. Điều này có thể đúng với các thông số trong các nghiên cứu này. Nhưng dù sao, đã có nhiều bậc phụ huynh cũng nhận thấy có sự cải thiện rõ rệt ở con em họ bằng cách rút một số đồ ăn nào đó trong khẩu phần ăn của trẻ. Trong đó, phổ biến nhất là các thực phẩm chế biến từ ca cao như sô cô la và các thức uống cola. Các thực phẩm khác cũng được cho là không nên sử dụng là đồ hộp, thực phẩm có màu và đường, các muối salycilate.

Lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi áp dụng cách can thiệp này là nên tập kiểm soát chế độ ăn uống của con và đảm bảo không sử dụng thái quá các thực phẩm không nên sử dụng đã nêu ở trên.

Đối với tuổi nhi đồng, nên tập cho trẻ ăn uống kiểm soát trong vài tuần nếu thấy tiến triển tốt (giấc ngủ tốt hơn, mức độ hoạt động giảm) thì tiếp tục, nếu không thì nên dừng lại.

Cũng cần lưu ý là khi áp dụng cách can thiệp này có thể khiến trẻ cảm thấy đây là một hình phạt vì vậy cả gia đình phải thực hiện hình thức này sao cho trẻ không cảm thấy mình bị lẻ loi.

6. Can thiệp bằng thuốc

Việc can thiệp bằng thuốc cho trẻ RLTĐGCY đã đem đến khá nhiều tranh luận và đây cũng được coi là phương pháp thành công trong việc chữa trị cho trẻ RLTĐGCY.

Nguồn gốc của cách can thiệp bằng thuốc có từ năm 1937, khi bác sỹ Bradley – một nhà nghiên cứu người Mỹ nghiên cứu ra thuốc Dexamphetamine có tác dụng chữa các cơn nhức đầu sau khi chụp X quang não bơm khí.
Dexamphetamine có tác dụng chữa các cơn nhức đầu nói trên. Một cuộc kiểm tra lâm sàng đã được tiến hành với một nhóm trẻ dùng loại thuốc này tròng thời gian hơn 6 tháng vào năm 1937. Kết quả cho thấy, không có sự cải thiện nào cho những cơn đau đầu nhưng lại có chuyển biến khả quan với những trẻ gặp trở ngại trong học tập. Từ đó, Dexamphetamine được nghiên cứu thêm như một cách chữa trị cho trẻ có trở ngại trong học tập – được xem như là kết quả của loạn năng nhẹ não bộ (MBD).

Việc sử dụng Dexamphetamine trong chữa trị cho trẻ có trở ngại học tập kéo dài không lâu đã mang lại những kết quả điều trị tốt. Khoảng hai thập niên sau, một loại thuốc mới được xuất hiện với tên gọi Methylphenidate (tên thương mại là Ritalin). Người ta cho rằng thuốc này là sự cải tiến của Dexamphetamine vì nó có ít tác dụng phụ hơn và dường như có tác dụng tốt hơn đối với các trẻ RLTĐGCY. Đến năm 1950, nhiều nghiên cứu lâm sàng khác nhau cho thấy Ritalin rất hữu hiệu để trị liệu cho trẻ RLTĐGCY.Hiện nay, chỉ trừ một số rất nhỏ, còn lại các trẻ RLTĐGCY đều có phản ứng tốt với 2 loại thuốc trên. Với một số không có phản ứng, nhiều trẻ thực sự bị thuốc làm cho tệ hại thêm. Cũng có một số trẻ phản ứng tốt với một loại thuốc khác là Tofranil, tuy nhiên phản ứng của thuốc này chưa được hiểu đầy đủ. Vì vậy, cần có sự đánh giá về xét nghiệm của phản ứng đối với một loại thuốc riêng biệt ở từng trẻ trước khi tiến hành can thiệp.

Nguồn: Sưu tầm