Chuyển tới nội dung

Tâm lý – Liệu pháp không thể thiếu trong phòng và trị bệnh

Tâm lý liệu pháp là một biện pháp chữa bệnh độc đáo, được ứng dụng trong phòng và trị bệnh ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên liệu pháp này vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta, và việc ứng dụng nó trong phòng và trị bệnh còn hạn chế.


Ở nước ta, chuyên ngành chữa bệnh bằng tâm lý vẫn còn rất non trẻ, thậm chí thuật ngữ liệu pháp tâm lý còn khá mơ hồ đối với một số người. Tuy nhiên, liệu pháp này lại là một trong những phương pháp điều trị có lịch sử lâu đời nhất và là một liệu pháp không thể thiếu trong thực hành y khoa trên thế giới.

Trong y học, đã từ lâu các thầy thuốc đông, tây y cũng đã biết cách tác động lên tâm lý để chữa bệnh. Thuật ngữ liệu pháp tâm lý được dịch từ Psychotherapy (psycho – tâm lý; therapy – điều trị). Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1872 trong cuốn sách “Ảnh hưởng của tâm lý lên cơ thể” của D.Tuke. Trải qua quá trình lịch sử có khá nhiều định nghĩa về liệu pháp tâm lý dựa trên quan điểm của các tác giả và các trường phái khác nhau. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm hiểu liệu pháp tâm lý chính là liệu pháp mà ở đó bác sĩ hay nhà trị liệu sử dụng tác động tâm lý một cách tích cực, có hệ thống vào mục đích phòng và chữa bệnh.

Hiện nay để cải thiện các rối loạn tâm lý ở bệnh nhân có rất nhiều các liệu pháp được sử dụng như: Liệu pháp ám thị, liệu pháp thôi miên, liệu pháp nhận thức hành vi, thư giãn, liệu pháp gia đình, liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp tâm lý nâng đỡ, liệu pháp trò chơi, liệu pháp vẽ tranh…

Vì sao tâm lý có thể phòng và chữa được bệnh?

Trạng thái tâm lý của con người chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường với nhiều kích thích. Cơ thể và tâm thần là một thể thống nhất không tách rời và thường xuyên ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Những tác động tâm lý (stress, lo âu, sợ hãi, buồn đau,..) gây ra những biến loạn về mặt cơ thể và ngược lại những thay đổi về cơ thể sẽ gây ra những rối loạn tâm lý nhất định. Do vậy, liệu pháp tâm lý ra đời nhằm mục đích sử dụng những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài lên trạng thái tâm lý của người bệnh. Điều này làm người bệnh có cảm giác yên tâm và tin tưởng vào việc chữa bệnh. Để đạt được hiệu quả này chúng ta cần phải chú ý đến phần cấu trúc từ ngoại cảnh như kiến trúc của bệnh viện, buồng bệnh, cách đón tiếp bệnh nhân từ khi bước vào bệnh viện, thái độ ân cần chu đáo của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý,…Tất cả những biện pháp trên đều nhằm tác động tích cực lên tâm lý người bệnh và gia đình họ. Lời nói được coi là một phương tiện giao tiếp chủ yếu trong trị liệu tâm lý. Lời nói và những cử chỉ của thầy thuốc như những kích thích thực sự và có ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái tâm lý và diễn biến của các triệu chứng của người bệnh.

Hiệu quả của liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý rõ ràng có một số lợi thế so với thuốc. Lợi thế rõ ràng dễ nhận biết nhất là nó không phải là một loại thuốc, có nghĩa rằng nó sẽ không có tác dụng phụ hay nguy cơ liên quan đến việc sử dụng thuốc. Ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ hiệu quả của liệu pháp tâm lý đối với nhiều loại rối loạn tâm lý khác nhau. Những nghiên cứu siêu phân tích (Meta-analysis) cho thấy liệu pháp tâm lý có hiệu quả cao nhất đối với trầm cảm. Có đến 70% số trường hợp đạt kết quả tốt. Có không ít người đi thăm khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc vẫn không hết bệnh, tuy nhiên họ lại tiến triển và hồi phục tốt nhờ liệu pháp tâm lý.

Trong một lần vào khám ở Bệnh viện Quận 2 TP. Hồ Chí Minh, bà BTMN xin nhập viện do thời gian gần đây hay tức ngực, ngất xỉu, tim đập nhanh, khó thở, vã mồ hôi, kèm theo đó là hàng loạt bệnh sử đái tháo đường, thiếu máu, mổ dạ dày… Sau thăm khám không tìm ra bệnh, đồng thời căn cứ vào biểu hiện của bệnh nhân, bác sĩ khoa Nội nghi ngờ bệnh nhân có vấn đề tâm lý và nhờ bác sĩ tại khoa Tâm lý lâm sàng can thiệp. Bà N. được chỉ định đến phòng khám tâm lý. Được chuyên gia tâm lý gợi mở, bà N. bộc lộ nhiều âu lo như con trai 42 tuổi chưa lấy vợ, cháu ngoại quậy phá, chồng suốt ngày đau ốm…Nhận định sự lo lắng quá mức chi phối bệnh tình của bệnh nhân, bác sĩ đã lên lịch tư vấn cho bà N. hai lần/tuần, mỗi lần vài chục phút. Kèm theo đó cho bệnh nhân tập hít thở bốn nhịp nhằm giải tỏa lo âu. Đồng thời phối hợp với chuyên khoa tâm thần kinh, gọi các thành viên trong gia đình bệnh nhân để giải thích về bệnh tình người thân của họ. Kết quả, sau vài tuần bà cụ khỏe mạnh và không còn những triệu chứng khi nhập viện nữa.

Liệu pháp tâm lý cũng tỏ ra có hiệu quả cao trong trị liệu ung thư. Người bệnh ung thư và người nhà thường dễ rơi vào tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí trầm cảm, lo âu khi biết mình và người nhà của mình bị ung thư. Nhờ liệu pháp tâm lý người bệnh sẽ đối mặt với bệnh và các liệu pháp trị liệu dễ dàng hơn, vì thế họ đón nhận, chuẩn bị tâm lý cũng như vượt qua các giai đoạn trị liệu một cách dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn so với việc không áp dụng liệu pháp tâm lý.

Một nghiên cứu khoa học về liệu pháp chống tái nghiện ma túy bằng phương pháp tâm lý lần đầu được công bố chính thức bởi Viện Nghiên cứu Tâm lý người nghiện ma túy. Nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trong 8 năm, với hàng trăm người nghiện. Cụ thể, sau khi thực hiện việc cắt cơn, phục hồi thể chất và tâm lý theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, người nghiện sẽ bước vào liệu trình cai nghiện thứ hai bằng biện pháp tâm lý. Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất, chống tái nghiện và là hy vọng mới trong điều trị lâu dài cho người sử dụng ma túy tại nước ta.

Bằng thực nghiệm người ta đã chứng minh được rằng con đường ám thị trong trạng thái thôi miên (dùng lời nói) có thể gây ra những thay đổi về thể dịch, lượng đường trong máu, thay đổi sắc tố da hay có thể gây tê trong phẫu thuật…

Tuy có khả năng hỗ trợ điều trị được nhiều bệnh, nhất là các bệnh tâm thần. Liệu pháp tâm lý vẫn có những mặt hạn chế nhất định của nó. Liệu pháp tâm lý nếu áp dụng riêng lẻ trong nhiều bệnh lý là không có kết quả, đa số các bệnh đều cần liệu pháp tâm lý như một liệu pháp hỗ trợ.

Triển vọng của tâm lý liệu pháp ở Việt Nam

Liệu pháp tâm lý rõ ràng đã đóng góp tích cực vào công tác chữa trị các bệnh tâm thần và các rối loạn tâm lý ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời đại công nghiệp hóa và đô thị hóa, con người phải đối diện với nhiều xung đột và stress tâm lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, liệu pháp tâm lý còn non trẻ. Cụ thể là chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng các liệu pháp tâm lý hiện đại. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa có một mạng lưới điều trị tâm lý hoàn chỉnh cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ các nhà trị liệu. Hơn thế nữa chúng ta chưa có chương trình đào tạo các nhà trị liệu tâm lý.

Nhìn chung liệu pháp tâm lý ở nước ta vẫn chưa được phát triển so với nhu cầu được chữa trị của người bệnh. Hy vọng trong tương lai không xa các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và đưa vào áp dụng những liệu pháp tâm lý hiện đại phù hợp điều kiện tâm sinh lý của người Việt.

Nguồn: Sưu tầm